-
Tóm tắt nội dung Quyết định số 08/2020/HNGĐ-GĐT ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về việc “Hạn chế quyền của cha đối với con chưa thành niên”
Tòa án giải quyết: Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng
Ngày xét xử: 30/09/2020
Loại Quyết định: Giám đốc thẩm
- Nội dung vụ việc:
Người yêu cầu: Bà Đinh Thị M, sinh năm 1957, địa chỉ: Số 60, đường Lê Thánh Tôn, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Anh Nguyễn Giang T, sinh năm 1978, địa chỉ: Số 07F, đường Tăng Bạt Hổ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
- Cháu Nguyễn Trúc Q, sinh ngày 30/4/2007
Cháu Q là con ruột của anh T và chị Nguyễn Thị B. Sau khi B chết, cháu Q sống với anh T. Do cháu Q học kém, ham chơi nên ngày 12/3/2019, anh T đã dùng roi tre vụt cháu Q. Chiều ngày 13/3/2019, bà Đinh Thị M là bà ngoại của cháu Q đưa cháu đến bệnh viện khám, sau đó làm đơn tố cáo anh T đến UBND phường Lê Lợi và Công an phường Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn.
Ngày 18/3/2019, Phó trưởng Công an phường Lê Lợi ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 02/QĐ-XPHC, xử phạt anh T 1.750.000 đồng về hành vi “sử dụng cây tre gỗ cắm trong chậu cúc đánh con ruột là cháu Q vào 23 giờ ngày 12/3/2019”.
Ngày 25/3/2019, Chủ tịch UBND phường Lê Lợi ban hành Quyết định số 44/QĐ-UBND về việc tạm thời cách ly trẻ em ra khỏi cha. Tiếp sau đó UBND liên tiếp ra nhiều quyết định, trong đó ngày 25/7/2019 ban hành Quyết định số 55/QĐ-UBND về việc cách ly cháu Q ra khỏi cha là anh T trong thời hạn 06 tháng.
Ngày 19/4/2019, Trưởng Công an phường Lê Lợi ban hành Quyết định số 01/QĐ-HBXPVPHC có nội dung hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trước đó vì Phó trưởng Công an phường Lê Lợi ký quyết định vi phạm pháp luật về thẩm quyền, thủ tục ban hành.
Trong thời gian UBND phường Lê Lợi ban hành các quyết định về việc cách ly trẻ em ra khỏi cha thì bà M khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của anh T đối với cháu Q với thời hạn 05 năm.
- Quyết định của Tòa án:
Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm (Tòa án nhân dân thành phố Quy Nhơn): Chấp nhận một phần yêu cầu của bà M, hạn chế quyền của anh T đối với cháu Q. Không cho anh T trông nom, chăm sóc, giáo dục và đại diện theo pháp luật cho cháu Q; thời hạn hạn chế là 03 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Giao cháu Q cho bà M trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng trong thời gian anh T bị hạn chế, bà M là người giám hộ cho cháu Q.
Quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm (Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định): Ngày 21/8/2019, sau khi có quyết định sơ thẩm thì bà M có đơn kháng cáo, yêu cầu thời hạn hạn chế là 05 năm. Ngày 23/8/2019, anh T có đơn kháng cáo yêu cầu hủy quyết định sơ thẩm. Sau khi xét xử thì Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định quyết định không chấp nhận kháng cáo của bà M và anh T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm (Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng): Ngày 28/7/2020, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 03/2020/KN-HNGĐ, đề nghị xét xử theo hướng không chấp nhận đơn yêu cầu của bà M về việc hạn chế quyền của cha. Ngày 30/9/2020, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tuyên chấp nhận quyết định giám đốc thẩm, sửa một phần quyết định phúc thẩm theo hướng không chấp nhận đơn yêu cầu của bà M về việc hạn chế quyền của cha là anh T đối với con chưa thành niên là cháu Q.
Tải Quyết định tại đây: Tóm tắt nội dung Quyết định số 08/2020/HNGĐ-GĐT ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về việc “Hạn chế quyền của cha đối với con chưa thành niên”
-
Bình luận Quyết định số 08/2020/HNGĐ-GĐT ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Đà Nẵng
- Về trình tự, thủ tục tố tụng
Về thẩm quyền của tòa án:
Đối với cấp sơ thẩm: Căn cứ vào các quy định tại khoản 4 Điều 29, điểm b khoản 2 Điều 35, điểm k khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án nhân dân thành phố Quy Nhơn thụ lý giải quyết việc dân sự hạn chế quyền của cha đối với con chưa thành niên này là đúng theo quy định của pháp luật.
Đối với cấp phúc thẩm: Căn cứ vào khoản 2 Điều 37 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án của Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Như vậy, theo quy định này, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử phúc thẩm việc dân sự hạn chế quyền của cha đối với con chưa thành niên là đúng theo quy định của pháp luật.
Đối với thủ tục giám đốc thẩm: Khoản 1 Điều 337 BLTTDS 2015 quy định “Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị”. Vì vậy, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm Quyết định này là đúng theo quy định của pháp luật.
Về căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm: Để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì phải đáp ứng 2 điều kiện, căn cứ sau:
Một là, có một trong những căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 326 BLTTDS 2015;
Hai là, có đơn đề nghị hoặc có thông báo, kiến nghị về việc đề nghị/thông báo/kiến nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Khi có đủ 2 điều kiện trên, Chánh án tòa án nhân dân tối cao kháng nghị Quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao đã có hiệu lực pháp luật.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 327 BLTTDS 2015 thì trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong Quyết định thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Ngày 11/10/2019 có quyết định phúc thẩm của tòa án nhân dân tỉnh Bình Định. Ngày 28/7/2020, Chánh án tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm.
Về các thủ tục tố tụng khác: Có thể thấy trình tự, thủ tục tố tụng của việc này đã tuân theo quy định của BLTTDS 2015.
Xem thêm: Mẫu đơn ly hôn theo quy định của tòa án – Cập nhật 2023
- Về nội dung giải quyết vụ án
Trong việc dân sự này, có thể thấy rằng Hội đồng giám đốc thẩm tuyên không chấp nhận đơn yêu cầu của bà M về việc hạn chế quyền của cha đối với con chưa thành niên là phù hợp theo quy định của pháp luật.
Thứ nhất, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ theo quy định của pháp luật
Khoản 1 Điều 68 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định: “Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ”.
Khoản 2 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con: “Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.
Như vậy, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con. Các quyền này được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.
Thứ hai, hành vi anh T dùng roi đánh cháu Q
Khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định các trường hợp bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên:
“a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
b) Phá tán tài sản của con;
c) Có lối sống đồi trụy;
d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”.
Theo đó, chỉ thuộc một trong những trường hợp trên thì cha mẹ mới bị hạn chế quyền đối với con. Đối chiếu quy định này với các hành vi của anh T với cháu Q có thể thấy rằng hành vi dùng roi đánh con chưa thành niên của anh T bị xử phạt vi phạm hành hành chính và dẫn tới bị Tòa án hạn chế quyền của mình đối với cháu Q là quá khiên cưỡng. Có thể trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của mọi người không chỉ riêng gia đình anh T, mọi người đều đã từng có hành vi đánh con vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, những hành vi đó chưa đến nỗi được coi là hành vi “vi phạm nghiêm trọng” bởi vì anh T chỉ dùng roi đánh cháu Q do học lực cháu không được tốt và việc này không xảy ra nhiều lần cũng như anh T chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tương tự lần nào.
Kết luận: Việc Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm quyết định hạn chế quyền của cha đối với con chưa thành niên là anh T đối với cháu Q trong thời hạn 03 năm là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của anh T được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.
Xem thêm: Bản án số 06/2021/HNGĐ-PT – Ly hôn khi vợ đi xuất khẩu lao động nước ngoài
-
Dịch vụ tư vấn ly hôn của chúng tôi
Liên hệ Luật sư tư vấn Hôn nhân và gia đình để giúp bạn giảm bớt gánh nặng thủ tục ly hôn. HD Luât & Fdico có các dịch vụ tư vấn về ly hôn mà khách hàng quan tâm nhất:
– Tư vấn soạn thảo mẫu đơn ly hôn đơn phương
– Tư vấn soạn thảo mẫu đơn thuận tình ly hôn
– Tư vấn thủ tục ly hôn
– Tư vấn về phân chia tài sản
– Tư vấn giành quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Để được tư vấn hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, liên hệ ngay Hotline – 0988.073.181 hoặc 0967.678.613