0984 216 682

Pháp luật quy định như thế nào về việc bạo lực gia đình? Chồng đánh đập vợ thì bị xử lý như nào? Mới nhất 2024

bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình luôn là một vấn đề nóng được mọi người quan tâm hiện nay. Có nhiều người không may mắn khi rơi vào một mối quan hệ hôn nhân tồi tệ, chồng thường xuyên bạo hành, đánh đập vợ, hành vi này không những gây đau đớn về thể xác, tinh thần mà còn là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Vậy nếu bạn chứng kiến hoặc đang trong trường hợp này, bạn đã biết chồng đánh vợ thì pháp luật sẽ xử lý như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

1. Chồng đánh vợ có vi phạm pháp luật hay không?

Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Do vậy, hành vi chồng đánh vợ gây ra thương tích là hành vi vi phạm nghĩa vụ vợ chồng.

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 về các hành vi bạo lực gia đình như sau:

Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình

“1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;”

Và tại điểm h khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình quy định:

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

“2. Cấm các hành vi sau đây:

h) Bạo lực gia đình;”

Như vậy, hành vi chồng đánh đập vợ gây ra thương tích là hành vi bạo lực gia đình và thuộc trường hợp bị cấm và tùy theo mức độ vi phạm mà người chồng thực hiện hành vi đánh vợ gây thương tích có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Chồng đánh đập vợ
Chồng đánh đập vợ

2. Hành vi đánh vợ có bị xử phạt cảnh cáo không?

Tùy theo mức độ vi phạm mà người chồng thực hiện hành vi đánh vợ gây thương tích có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi chồng đánh vợ gây thương tích khi bị xử lý theo pháp luật hành chính Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình) sẽ bị áp dụng hình thức chính là phạt tiền; đồng thời phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả, không áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo đối với hành vi này.

Pháp luật quy định thế nào về bạo lực gia đình
Pháp luật quy định thế nào về bạo lực gia đình

3. Đánh vợ gây thương tích bị xử lý như thế nào?

3.1. Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi đánh vợ

Người chồng có hành vi đánh vợ mà chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;

b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.”

Như vậy, trường hợp chồng đánh đập hay có các hành vi gây thương tích khác cho vợ thì có thể sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trường hợp sử dụng các công cụ phương tiện thì sẽ có thể bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, phải xin lỗi và chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Xem thêm: hiểu thế nào là bạo lực gia đình

3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đánh vợ

Nếu hành vi đánh vợ của người chồng đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật thì chồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Căn cứ quy định trên, khi chồng đánh đập vợ dẫn đến người vợ bị thương tích, gây tổn hại sức khỏe mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được pháp luật quy định thì có thể bị đi tù. Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người phạm tội cố ý gây thương tích có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, nếu ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội thì phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với việc đánh vợ
Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với việc đánh vợ

4. Cách khởi kiện, trình tự thủ tục đối với hành vi chồng đánh vợ?

– Căn cứ Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau về căn cứ khởi tố vụ án hình sự, chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

  • Tố giác của cá nhân;
  • Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
  • Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
  • Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
  • Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
  • Người phạm tội tự thú.

– Trình tự khởi kiện hành vi chồng đánh vợ

Bước 1: Nộp đơn tố cáo kèm theo đơn tố cáo là những bằng chứng, chứng cứ chứng minh cho hành vi vi phạm này cho cơ quan có thẩm quyền:

  • Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
  • Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
  • Sau khi tiếp nhận, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự

Bước 2: Điều tra vụ án hình sự

  • Thẩm quyền điều tra
  • Cơ quan điều tra của Công an nhân dân
  • Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân
  • Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Bước 3: Viện kiểm sát sẽ căn cứ vào hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra và ra một trong ba quyết định sau:

  • Truy tố bị can trước Tòa án
  • Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung
  • Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Bước 4: Xét xử sơ thẩm, phúc thẩm bởi Tòa án có thẩm quyền căn cứ vào Điều 268 đối thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án, Điều 344 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đối với thẩm quyền xét xử phúc thẩm của Tòa án.

Bước 5: Sau giai đoạn xét xử, người phạm tội thi hành bản án và quyết định của tòa án.

Xem thêm: hồ sơ và thủ tục ly hôn đơn phương

5. Câu hỏi thắc mắc liên quan hành vi đánh vợ

5.1. Người vợ nên làm gì khi bị chồng đánh?

Để phòng tránh tình trạng bạo lực gia đình, người vợ bị bạo hành nên thông báo đến Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan Công an để yêu cầu can thiệp đối với hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình.

Bên cạnh đó, nạn nhân khi bị bạo hành cũng có thể liên hệ với các tổ chức xã hội như Hội phụ nữ để được tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ khi bị xâm phạm.

5.2. Đánh vợ bị xử phạt hành chính có đủ điều kiện để được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa hay không?

Căn cứ Điều 7 Nghị định 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” về các trường hợp không xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa như sau:

Thành viên trong gia đình vi phạm một trong các trường sau:

– Bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

– Không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế.

– Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.

– Có tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống.

– Có bạo lực gia đình bị xử phạt hành chính.

– Mắc các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, trộm cắp, tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc.

– Tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Như vậy, trường hợp hành vi đánh vợ bị xử phạt hành chính thì gia đình đó không được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa.

Xem thêm: Bản án số 23/2021/HNGĐ-ST “Ly hôn do chồng bạo lực”

5.3. Đánh đập, xúc phạm vợ liệu có phải là bạo lực gia đình không?

Căn cứ tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 thì hành vi đánh đập, xúc phạm vợ là hành vi bạo lực gia đình được quy định trong pháp luật và bị nghiêm cấm theo khoản 1 Điều 8 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007.

Bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình

Dịch vụ tư vấn của chúng tôi

Hãy liên hệ HD Luật & Fdico để được hỗ trợ tư vấn và giải đáp thắc mắc kịp thời. Bên cạnh những giải pháp hữu ích về Hôn nhân và gia đình, chúng tôi còn cung cấp các dịch vụ:

– Soạn đơn ly hôn đơn phương;

– Soạn đơn ly hôn thuận tình;

– Ly hôn vắng mặt;

– Chia tài sản khi ly hôn;

– Ly hôn với người nước ngoài;

– Tư vấn quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng.

Hãy liên hệ ngay với Hotline – 0988.073.181 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0988073181