Khi vợ hoặc chồng chết thì quan hệ hôn nhân cũng chấm dứt. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người mất tích và bị tuyên bố là đã chết trở về thì sẽ giải quyết như thế nào? Tài sản của họ sẽ ra làm sao? Hãy tham khảo bài viết ngay sau đây.
-
Thời điểm chấm dứt hôn nhân
Theo quy định của pháp luật, một người được coi là đã chết khi trên thực tế người đó chết hoặc bị tòa án tuyên bố đã chết.
Theo Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 thì một người được Tòa án tuyên bố chết nếu thuộc các trường hợp sau:
“a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật Dân sự”.
Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
“Hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết.
Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án”.
Như vậy, kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết thì coi như hôn nhân chấm dứt. Do vậy, nếu sau này người còn lại có nhu cầu kết hôn với người khác thì không cần làm thủ tục ly hôn. Còn trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm chấm dứt hôn nhân là ngày chết mà được Tòa án ghi trong bản án, quyết định.
Xem thêm: Hồ sơ và thủ tục ly hôn đơn phương 2024
-
Giải quyết vấn đề tài sản trong trường hợp chấm dứt hôn nhân do bên còn lại chết
Luật Hôn nhân và gia đình quy định như sau:
Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
Theo đó, trường hợp vợ hoặc chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì người còn lại được quyền quản lý tài sản chung, trừ khi người chết có để lại di chúc mà trong di chúc đó chỉ định một người khác quản lý tài sản, hoặc mặc dù không để lại di chúc nhưng những người thừa kế có thỏa thuận cử người khác quản lý tài sản đó.
Sau khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, nếu có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Khi đó, chế độ tài sản của vợ chồng được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.
Đối với phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.
Quy định này nhằm tôn trọng ý chí các bên, bảo vệ quyền lợi của các bên yếu thế và sự đoàn kết trong gia đình. Có thể hiểu hạn chế phân chia di sản thừa kế là sau một thời hạn nhất định thì di sản mới được đem chia. Trường hợp này Tòa án sẽ xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định, tuy nhiên thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản thừa kế vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thì được yêu cầu Tòa gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.
Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo các quy định trên, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.
Xem thêm: Ly hôn đơn phương thế nào khi bị đơn giấu địa chỉ?
-
Quan hệ nhân thân, tài sản khi bên kia bị tuyên bố đã chết mà trở về
Thứ nhất, về quan hệ nhân thân:
– Trường hợp bên còn sống chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được khôi phục (Tuy nhiên Tòa án phải ra quyết định hủy bỏ tuyên bố đã chết)
– Trường hợp khi người tuyên bố là đã chết mà trở về nhưng vợ hoặc chồng của họ đã làm thủ tục ly hôn theo trường hợp mất tích và có quyết định ly hôn của tòa án thì quyết định ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật. Khi đó, nếu họ muốn xác lập lại quan hệ hôn nhân thì tiến hành đăng ký kết hôn lại.
– Trường hợp người bị tuyên bố là đã chết trở về, mà vợ hoặc chồng của người đó đã kết hôn với người khác thì pháp luật công nhận quan hệ hôn nhân của vợ hoặc chồng với người sau.
Thứ hai, về quan hệ tài sản:
Quan hệ tài sản của người bị tuyên bố là đã chết trở về với người vợ hoặc chồng được giải quyết như sau:
– Trong trường hợp hôn nhân được khôi phục thì quan hệ tài sản được khôi phục kể từ thời điểm quyết định của Tòa án hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực. Tài sản do vợ, chồng có được kể từ thời điểm quyết định của Tòa án về việc tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực đến khi quyết định hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ đã chết có hiệu lực là tài sản riêng của người đó.
– Trong trường hợp hôn nhân không được khôi phục thì tài sản có được trước khi quyết định của Tòa án về việc tuyên bố vợ, chồng là đã chết có hiệu lực mà chưa chia được giải quyết như chia tài sản khi ly hôn.
Xem thêm: VI PHẠM CHẾ ĐỘ HÔN NHÂN MỘT VỢ MỘT CHỒNG SẼ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
-
Dịch vụ ly hôn của chúng tôi
Liên hệ Luật sư tư vấn Hôn nhân và gia đình để giúp bạn giảm bớt gánh nặng thủ tục ly hôn. HD Luật & Fdico có các dịch vụ tư vấn về ly hôn mà khách hàng quan tâm nhất:
– Tư vấn soạn thảo mẫu đơn ly hôn đơn phương
– Tư vấn soạn thảo mẫu đơn thuận tình ly hôn
– Tư vấn thủ tục ly hôn
– Tư vấn về phân chia tài sản
– Tư vấn giành quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
– Tư vấn ly hôn có yếu tố nước ngoài
Để được tư vấn hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, liên hệ ngay Hotline – 0988.073.181 hoặc 0967.678.613