-
Tóm tắt nội dung Quyết định số 04/2021/HNGĐ-GĐT ngày 07/07/2021 của Tòa án nhân dân tối cao về việc “Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật”
Tòa án giải quyết: Tòa án nhân dân tối cao
Ngày xét xử: 07/07/2021
Loại Quyết định: Giám đốc thẩm
-
Nội dung vụ việc:
Người yêu cầu: Bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1960, địa chỉ: Tổ 14, Khu 3, phường T, thành phố U, tỉnh Quảng Ninh.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ông Phạm Bá H, sinh năm 1959, quốc tịch: Việt Nam, Canada, địa chỉ: Canada.
- Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1983, địa chỉ: Số 41 phố Đ, khu H, phường N, thành phố M, tỉnh Quảng Ninh.
- UBND thành phố M, tỉnh Quảng Ninh.
Bà S và ông H tổ chức đám cưới, chung sống với nhau ngày 23/11/1980. Về việc đăng ký kết hôn: Bà S trình bày bà và ông H cưới nhau có đăng ký kết hôn tại UBND xã P (nay là phường P); Ông H trình bày ông và bà S không tổ chức đám cưới và không đăng ký kết hôn; Bà L trình bày ông H và bà S chung sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Tháng 04/1981 ông H và bà S sang Hồng Kông sinh sống và sau đó nhập cư tại Canada. Đến năm 2008, vợ chồng ông quay về Việt Nam và có 03 con chung là anh Phạm Hồng K sinh năm 1981, chị Phạm Thị Thu H1 sinh năm 1984 và chị Phạm Thị Thu H2 sinh năm 1991. Hiện tại các con của vợ chồng ông đều sinh sống tại Canada.
Từ năm 2011, ông H ngoại tình với bà L và đánh đập, đuổi bà S ra khỏi nhà. Từ đó bà S sang Canada sinh sống với các con. Mấy tháng sau, bà S quay trở về Việt Nam thì ông H đã đón bà L và con chung về sinh sống tại nhà. Ngày 17/04/2017, ông H bà L đã đăng ký kết hôn theo giấy chứng nhận kết hôn số 09 của UBND thành phố M, tỉnh Quảng Ninh.
Vì vậy, bà S yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông H và bà L.
-
Quyết định của Tòa án:
Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm (Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh): Chấp nhận yêu cầu của bà S, hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông H và bà L. Giao con chung giữa ông H và bà L cho bà L trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi đủ 18 tuổi.
Quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm (Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội): Ngày 23/02/2018, sau khi có quyết định sơ thẩm thì bà L có đơn kháng cáo. Sau khi xét xử thì Tòa án nhân dân cấp cao quyết định chấp nhận kháng cáo của bà L, sửa quyết định sơ thẩm, công nhận ông H và bà L là quan hệ hôn nhân hợp pháp.
Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm (Tòa án nhân dân tối cao): Ngày 06/02/2020 bà S có đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm. Ngày 27/4/2021, Chánh án tòa án nhân dân tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Sau khi xem xét, Hội đồng giám đốc thẩm quyết định chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao, hủy Quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, giữ nguyên Quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Tải Quyết định tại đây: Quyết định số 04/2021/HNGĐ-GĐT ngày 07/07/2021 của Tòa án nhân dân tối cao về việc “Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật”
-
Bình luận Quyết định số 04/2021/HNGĐ-GĐT ngày 07/07/2021 của Tòa án nhân dân tối cao
-
Về trình tự, thủ tục tố tụng
Về thẩm quyền của tòa án:
Đối với cấp sơ thẩm: Căn cứ vào các quy định tại khoản 1 Điều 29, điểm c khoản 1 Điều 37, điểm g khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh thụ lý giải quyết việc dân sự này là đúng theo quy định của pháp luật.
Đối với cấp phúc thẩm: Căn cứ vào khoản 1 Điều 29 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 thì Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Như vậy, theo quy định này, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm việc dân sự này là đúng theo quy định của pháp luật.
Đối với thủ tục giám đốc thẩm: Khoản 2 Điều 337 BLTTDS 2015 quy định “Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao bị kháng nghị”. Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm Quyết định này là đúng theo quy định của pháp luật.
Về căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm: Để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì phải đáp ứng 2 điều kiện, căn cứ sau:
Một là, có một trong những căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 326 BLTTDS 2015;
Hai là, có đơn đề nghị hoặc có thông báo, kiến nghị về việc đề nghị/thông báo/kiến nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Khi có đủ 2 điều kiện trên, Chánh án tòa án nhân dân tối cao kháng nghị Quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao đã có hiệu lực pháp luật.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 327 BLTTDS 2015 thì trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong Quyết định thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo đó, ngày 18/9/2019 Tòa án nhân dân cấp cao có Quyết định phúc thẩm số 12/2019/QĐPT-DS; ngày 06/02/2020 bà S có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm; ngày 27/04/2021, Chánh án tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 05/2021/KN-HNGĐ. Vì vậy, tại thời điểm bà S có đơn đề nghị thì vẫn đang trong thời hạn xem xét giám đốc thẩm.
Về các thủ tục tố tụng khác: Có thể thấy trình tự, thủ tục tố tụng của việc này đã tuân theo quy định của BLTTDS 2015.
Xem thêm: Mẫu đơn ly hôn theo quy định của tòa án – Cập nhật 2023
-
Về nội dung giải quyết vụ án
Trong việc dân sự này, có thể thấy rằng Hội đồng giám đốc thẩm tuyên việc kết hôn giữa ông H và bà L là trái pháp luật, tuyên hủy Quyết định phúc thẩm và giữ nguyên Quyết định sơ thẩm là phù hợp với các quy định của pháp luật cũng như phong tục tập quán, đạo đức xã hội.
Về việc kết hôn giữa ông H và bà S vào năm 1980:
Năm 1980, ông H và bà S đã tổ chức đám cưới theo phong tục địa phương. Sau đó hai ông bà về chung sống với nhau và lần lượt có 03 người con chung sinh năm 1981, 1984 và 1991. Việc kết hôn của hai ông bà được người thân, hai bên gia đình, họ hàng chứng kiến.
Về việc ông H và bà S không có đăng ký kết hôn:
Về mặt thực tế:
Mặc dù hai ông bà không đăng ký kết hôn nhưng trên thực tế ông H và bà S đã chung sống với nhau và có con chung. Qua biên bản xác minh, lấy ý kiến của hàng xóm, khu trưởng đều xác nhận năm 1980 ông H và bà S tổ chức đám cưới, chung sống với nhau sau đó vượt biên sang Trung Quốc. Tại sổ khai sinh của anh Phạm Hồng K sinh ngày 07/8/1981 thể hiện tên cha là ông H tên mẹ là bà S. Vì vậy, có cơ sở xác định hai ông bà đã chung sống với nhau. Ngoài ra, tại sổ hộ khẩu do công an thành phố M cấp ngày 03/11/2014 và hợp đồng thuê quyền sử dụng đất ngày 13/4/2015 do phòng công chứng tại Quảng Ninh cấp đều thể hiện ông H có vợ là bà S. Như vậy, trên thực tế ông H và bà S có tổ chức đám cưới, chung sống, có con chung với nhau và cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.
Về mặt pháp luật:
Điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định người được coi là đang có vợ, chồng gồm “Người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng lý kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết”. Vì vậy, trường hợp của ông H và bà S được xác định là quan hệ hôn nhân hợp pháp.
Ngoài ra, theo điểm d Mục 2 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì nam nữ được coi là sống chung với nhau như vợ chồng nếu họ có đủ điều kiện kết hôn và thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau; Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc hai bên) chấp nhận; Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; Họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình. Trên thực tế thì quan hệ giữa ông H và bà S đáp ứng đầy đủ các quy định này.
Từ các phân tích trên có thể thấy rằng quan hệ hôn nhân giữa ông H và bà S là hợp pháp mặc dù không có đăng ký kết hôn.
Về việc kết hôn giữa ông H và bà L:
Ông H và bà L được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn ngày 17/4/2017. Trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn này, cơ quan cấp cũng đã tiến hành xác minh về tình trạng hôn nhân của ông H tại sổ đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, sổ đăng ký kết hôn của UBND phường P cũng chỉ lưu giữ từ năm 1989 đến nay. Trên thực tế, ông H cũng đã đón bà L về chung sống với nhau và có con chung. Ngoài ra, trước đó ông cùng gia đình hầu như chủ yếu sinh sống tại Canada, gần đây mới quay lại Việt Nam nên việc xác minh, lấy lời khai của những người hàng xóm xung quanh cũng gặp nhiều khó khăn.
Qua đó có thể thấy rằng, thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật còn nhiều khó khăn, nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn với nhau. Ngoài ra, hệ thống lưu trữ văn thư, thông tin, tài liệu của nhiều cơ quan còn hạn chế, cũng như các cán bộ quản lý chưa nắm chắc các quy định của pháp luật. Do vậy mới dẫn đến trường hợp này.
Kết luận: Qua tất cả các phân tích trên đây, chúng ta thấy được rằng mỗi bên đều có cái tình, cái lý riêng của mình. Tuy nhiên, nếu xét về tổng thể thì bà S có nhiều căn cứ hợp lý hơn cả về mặt pháp luật cũng như lẽ phải hay đạo đức xã hội. Vì vậy, Quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên Quyết định sơ thẩm: Chấp nhận yêu cầu của bà S, hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông H và bà L là hoàn toàn phù hợp.
Xem thêm: Bản án số 06/2021/HNGĐ-PT – Ly hôn khi vợ đi xuất khẩu lao động nước ngoài
-
Dịch vụ tư vấn ly hôn của chúng tôi
Liên hệ Luật sư tư vấn Hôn nhân và gia đình để giúp bạn giảm bớt gánh nặng thủ tục ly hôn. HD Luât & Fdico có các dịch vụ tư vấn về ly hôn mà khách hàng quan tâm nhất:
– Tư vấn soạn thảo mẫu đơn ly hôn đơn phương
– Tư vấn soạn thảo mẫu đơn thuận tình ly hôn
– Tư vấn thủ tục ly hôn
– Tư vấn về phân chia tài sản
– Tư vấn giành quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Để được tư vấn hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, liên hệ ngay Hotline – 0988.073.181 hoặc 0967.678.613