-
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
- https://congbobanan.toaan.gov.vn
-
Tóm tắt nội dung bản án
- Nguyên đơn: Chị Hoàng Thị K, sinh năm 1991; Nơi cư trú: tổ B, phường Q, thành phố T, tỉnh Thái Nguyên
- Bị đơn: Anh Lưu Quý T, sinh năm 1983; Nơi cư trú: tổ A, phường Q, thành phố T, tỉnh Thái Nguyên
Nguyên đơn có mặt, bị đơn vắng mặt lần thứ hai.
* Nội dung vụ án:
Chị Hoàng Thị K và anh Lưu Quý T trước đây là vợ chồng, có 02 con chung là cháu Lưu Thị Trà M sinh năm 2010 và Lưu Hải Đ sinh năm 2014. Chị K và anh T đã được TAND thành phố Thái Nguyên giải quyết ly hôn. Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 166/2021/QĐST-HNGĐ ngày 19/4/2021, chị K và anh T đã thỏa thuận như sau: anh T trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục hai con chung là Lưu Thị Trà M và Lưu Hải Đ. Tuy nhiên từ sau khi ly hôn cho đến nay, chị K là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu M, chỉ có cháu Đ sống cùng anh T. Để thuận tiện cho việc chăm sóc cho con và đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho cháu M, chị K khởi kiện đề nghị Tòa giải quyết chuyển quyền nuôi cháu M từ anh T sang cho chị. Về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con: chị K không yêu cầu giải quyết.

-
Nhận định của Hội đồng xét xử
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Đây là vụ án hôn nhân gia đình tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Bị đơn anh Lưu Quý T có nơi cư trú tại Tổ A, phường Q, thành phố T, tỉnh Thái Nguyên, căn cứ Khoản 3 Điều 28, điểm a Khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự xác định vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND thành phố T, tỉnh Thái Nguyên.
Bị đơn đã nhiều lần được Tòa án triệu tập, tống đạt hợp lệ nhưng không hợp tác đến Tòa làm việc, tại phiên tòa vẫn vắng mặt không lý do. Căn cứ Khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự, HĐXX quyết định xét xử vắng mặt bị đơn.
[2] Về nội dung: Dựa trên trình bày của chị K, Tòa án đã tiến hành xác minh tại nơi cư trú của anh T được chính quyền địa phương xác định chỉ có anh T và con trai là cháu Đ cùng sinh sống tại nơi cư trú, không thấy cháu M sống cùng anh T. Chính quyền địa phương nơi chị K cư trú cũng xác nhận cháu M vẫn sống cùng chị K từ khi chị K và anh T ly hôn cho đến nay.
Cháu M cũng xác định cháu chỉ ở cùng bố được 1, 2 tháng đầu sau khi bố mẹ cháu ly hôn, sau đó cháu đã chuyển về ở hẳn cùng mẹ từ đợt đó cho đến nay. Thời gian cháu ở cùng bố, cháu thường xuyên bị bố mắng chửi, đánh đập nên cháu không dám ở cùng. Từ khi cháu ở với mẹ thì mẹ cháu là người quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng cháu, bố cháu không quan tâm gì đến cháu. Cháu có nguyện vọng muốn ở cùng với mẹ để tiện cho việc học tập và gần gũi mẹ.
Từ những phân tích trên cho thấy anh T không có sự quan tâm, cũng không có trách nhiệm với cháu M, không đảm bảo điều kiện để nuôi dưỡng cháu M, do vậy việc chị K xin thay đổi quyền nuôi con là hoàn toàn có căn cứ chấp nhận. Hơn nữa, cháu M là con gái, đang ở độ tuổi có nhiều thay đổi về thể chất và tâm lý, cần giao cháu M cho chị K trực tiếp nuôi dưỡng để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho cháu M.
Về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con: chị K không có yêu cầu nên không đặt vấn đề xem xét giải quyết.
Vì lợi ích của con, trong quá trình nuôi dưỡng, nếu thấy cần thiết các đương sự có quyền thỏa thuận hoặc khởi kiện bằng vụ án yêu cầu giải quyết việc cấp dưỡng nuôi con khi con chưa đủ 18 tuổi.

-
Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên xử
Căn cứ Khoản 3 Điều 28, điểm a Khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 271, Khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 81, 82, 83, 84 Luật Hôn nhân và gia đình; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị K đối với anh T về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
Thay đổi người trực tiếp nuôi cháu Lưu Thị Trà M sinh năm 2010 từ anh Lưu Quý T sang cho chị Hoàng Thị K cho đến khi cháu M đủ 18 tuổi hoặc đến khi có sự thay đổi khác. Anh T có quyền và nghĩa vụ thăm, chăm sóc, giáo dục con chung mà không được ai cản trở.
Về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con: Không yêu cầu giải quyết.
- Về án phí: Anh T chịu 300.000 đồng án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm bổ sung ngân sách nhà nước. Hoàn trả chị K 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp.
5. Đánh giá của chúng tôi về bản án số 24/2024/HNGĐ-ST ngày 29/02/2024 về việc tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn
TAND cấp sơ thẩm đã căn cứ vào quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, căn cứ vào tình hình thực tế cháu M không nhận được sự quan tâm, chăm sóc của anh T, cháu M có nguyện vọng về chung sống với mẹ để quyết định chuyển giao quyền nuôi cháu M cho chị K. Có thể thấy quyết định như vậy là hoàn toàn hợp lý, hợp tình, nhất là trong giai đoạn cháu M đang có sự thay đổi, phát triển về tâm sinh lý rất cần sự quan tâm, gần gũi của người thân.

6. Dịch vụ tư vấn ly hôn của chúng tôi
Liên hệ Luật sư tư vấn Hôn nhân và gia đình để giúp bạn giảm bớt gánh nặng thủ tục ly hôn. HD Luât & Fdico có các dịch vụ tư vấn về ly hôn mà khách hàng quan tâm nhất:
– Tư vấn soạn thảo mẫu đơn ly hôn đơn phương
– Tư vấn soạn thảo mẫu đơn thuận tình ly hôn
– Tư vấn thủ tục ly hôn
– Tư vấn về phân chia tài sản
– Tư vấn giành quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Để được tư vấn hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, liên hệ ngay Hotline – 0988.073.181.