Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã khẳng định nghĩa vụ cấp dưỡng là một phần không thể thiếu trong mối quan hệ gia đình. Đặc biệt, trong trường hợp hôn nhân tan vỡ, nghĩa vụ cấp dưỡng càng trở nên quan trọng để bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Vậy nghĩa vụ cấp dưỡng được hiểu như thế nào? Ai có nghĩa vụ cấp dưỡng và mức độ cấp dưỡng ra sao? Bài viết này sẽ giúp bạn làm rõ những vấn đề trên.
1.Nghĩa vụ cấp dưỡng
Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã liệt kê nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa: cha, mẹ – con; anh, chị, em với nhau; ông/bà nội, ông/bà ngoại – cháu; cô/dì/chú/cậu/bác ruột – cháu ruột; vợ – chồng.
Pháp luật hôn nhân cũng lưu ý nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
1.1.Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Theo Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng.
1.2.Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ
Theo Điều 111 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, con đã thành niên không sống chung có nghĩa cụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
1.3.Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em
Theo Điều 112 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên trong trường hợp cha, mẹ không còn/không có khả năng lao động hoặc em đã thành niên không có tài sản tự nuôi mình/không có khả năng lao động, và ngược lại.
1.4.Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu
Theo Điều 113 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, ông, bà nội/ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng, và ngược lại.
1.5.Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột
Theo Điều 114 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột thì phải cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động/không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng, và ngược lại.
1.6.Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn
Khi ly hôn, một trong hai người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người kia trong trường hợp người còn lại khó khăn, túng thiếu mà có lý do chính đáng.
2.Mức cấp dưỡng
Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về mức cấp dưỡng như sau:
“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Như vậy mức cấp dưỡng phụ thuộc vào các yếu tố:
-Thu nhập và khả năng tài chính của người có nghĩa vụ cấp dưỡng;
-Nhu cầu thiết yếu của người được hưởng cấp dưỡng;
-Hoàn cảnh cụ thể, lí do chính đáng của mỗi vụ việc nếu không thỏa thuận được do Tòa án xem xét.
3.Phương thức cấp dưỡng
Theo Điều 117 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định chi tiết về phương thức cấp dưỡng như sau:
“Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.
Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Như vậy, pháp luật đưa ra hai phương thức đó là cấp dưỡng định kỳ hoặc cấp dưỡng một lần. Tuy nhiên, việc cấp dưỡng cũng có thể được thỏa thuận lại, trong trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
4.Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng
Điều 118 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 liệt kê các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng, bao gồm 06 trường hợp sau:
- Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
- Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
- Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
- Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
- Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
- Trường hợp khác theo quy định của luật.
Dịch vụ tư vấn của chúng tôi
Hãy liên hệ HD Luật & Fdico để được hỗ trợ tư vấn và giải đáp thắc mắc kịp thời. Bên cạnh những giải pháp hữu ích về Hôn nhân và gia đình, chúng tôi còn cung cấp các dịch vụ:
– Soạn đơn ly hôn đơn phương;
– Soạn đơn ly hôn thuận tình;
– Ly hôn vắng mặt;
– Chia tài sản khi ly hôn;
– Ly hôn với người nước ngoài;
– Tư vấn quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng.
– Tư vấn phân chia tài sản
Hãy liên hệ ngay với Hotline – 0988.073.181 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.